Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

hoi nhap 4

Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới

Hoạt động kinh tế đối ngoại đã có bước phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam nhanh chóng hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, đa phương hoá và đa dạng hoá các mối quan hệ với các nước, các tổ chức tài chính quốc tế. Những kết quả đạt được của Việt Nam trong hoạt động hội nhập của minh như sau:

Năm

Những điểm mốc quan trọng của Việt Nam

1992

Ký các hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại với EU

1995

Gia nhập tổ chức ASEAN

1998

Tham gia APEC

2001

Ký hiệp định thương mại song phương Việt–Mỹ

2003

Tham gia khu vực mậu dịch tự do AFTA của ASEAN

07/11/2006

Trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới WTO

Chính sách “đa dạng hóa, đa phương hoá” quan hệ quốc tế đã giúp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới và khu vực. Nếu như trước năm 1990, Việt Nam mới có quan hệ thương mại với 40 nước, thì ngày nay nhờ thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, làm bạn, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 169 nước trên thế giới, ký kết các hiệp định thương mại đa phương và song phương với trên 80 quốc gia, thực hiện chế độ tối huệ quốc với trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những nước và khu vực có nguồn vốn lớn, công nghệ cao và thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU và các nền kinh tế mới công nghiệp hóa ở Đông Á.

A.4.5. Đầu tư trực tiếp nước ngoài

Quan hệ hợp tác, đầu tư nước ngoài trước đổi mới, chủ yếu là thông qua hình thức vay dài hạn theo Hiệp định chính phủ, đã chuyển hẳn sang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp dưới nhiều hình thức, đồng thời tiếp tục tranh thủ tài trợ phát triển của các nước và các tổ chức tài chính quốc tế.

Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành tháng 12 năm 1987 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cơ bản cho các hoạt động đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Việt Nam. Thời kỳ 1996-2000, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và bổ sung đã lên đến 24,6 tỷ USD, tăng 30% so với 8 năm trước đó. Vốn đã đưa vào thực hiện khoảng 10 tỷ USD (theo giá 1995), gấp 1,8 lần.

Biểu 4: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

(Nguồn: Báo cáo kinh tế xã hội 20 năm, 2005)

Trong bối cảnh dòng luân chuyển vốn bị hạn chế và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thu hút vốn, nhưng do môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện thông qua việc sửa đổi bổ sung các chính sách vào năm 1996 và năm 2002 nhằm tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn để khuyến khích các nhà đầu tư nuớc ngoài đầu tư vào những mục tiêu trọng điểm và những lĩnh vực ưu tiên, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hướng vào xuất khẩu và các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Trong 5 năm 2001-2005, tổng vốn đăng ký vẫn đạt 20 tỷ USD, vượt 39% mục tiêu đề ra (15 tỷ USD) và tổng vốn thực hiện đạt 14,3 tỷ uSD vượt 30% mục tiêu.

Từ tháng 10 năm 1993 quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam với cộng đồng tài trợ quốc tế đã được nối lại. Từ đó đến nay, hàng năm, nguồn vốn cam kết tài trợ của các nước cho ta đều tăng đáng kể, việc giải ngân nguồn vốn ODA ngày càng tốt hơn. Ba năm đầu nối lại nguồn viện trợ ODA (1993-1995), cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam số vốn ODA khoảng 6,0 tỷ USD; nguồn vốn ODA đã thực hiện trong cùng thời kỳ đó vào khoảng 1,73 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng số vốn các nước đã cam kết và 36,2% số vốn đã đăng ký. Trong 5 năm 1996-2000, cộng đồng tài trợ quốc tế tiếp tục dành Việt Nam số vốn ODA cam kết cho Việt Nam là 11,64 tỷ USD và đã được đưa vào thực hiện khoảng 6,1 tỷ USD. Đặc biệt trong thời kỳ 2001-2005, do khó khăn kinh tế toàn cầu, nguồn ODA của thế giới có xu hướng giảm đáng kể, nhưng các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam 16,7 tỷ USD; giải ngân trong thời kỳ khoảng 7,9 tỷ USD.

Biểu 5 : Nguồn vốn ODA đầu tư cho Việt Nam từ 1986-2005

(Nguồn: Báo cáo kinh tế xã hội 20 năm, 2005)

Bằng việc cho ra đời Luật đầu tư 2005 và Luật Doanh nghiệp 2005 (cùng có hiệu lực từ 1/7/2006) Chính phủ Việt Nam đã tạo ra bước tiến dài trong việc điều chỉnh, cải tiến để tạo thêm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài như được quyền đầu tư kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những việc cơ quan Nhà nước cho phép. Nguyên tắc này được áp dụng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước từ năm 2000, nay được áp dụng chung cho khu vực nước ngoài.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài, chỉnh sửa thuế thu nhập cá nhân theo hướng hạ thấp mức thuế, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, giảm giá dịch vụ viễn thông xuống ngang bằng mức giá tại các nước trong khu vực, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng lĩnh vực đầu tư, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư vào một số lĩnh vực trước đây chưa cho phép như viễn thông, bảo hiểm, kinh doanh siêu thị… đã tạo nên một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.

Những biện pháp cải cách trên đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần khôi phục và tăng nhanh nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2005. FDI tăng nhanh trở lại còn do các nguyên nhân quan trọng khác như sự ổn định về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng; nền kinh tế tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao; công cuộc đổi mới kinh tế theo cơ chế thị trường tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh; mức sống của người dân được nâng cao góp phần làm tăng mức cầu nội địa; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, uy tín và thương hiệu của các loại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trên các thị trường thế giới ngày càng được nâng cao.

Kết quả, Việt Nam đã thu hút được một lượng FDI ngày càng lớn: hầu như từ con số không vào năm 1986, đã tăng lên tới 3,2 tỷ USD năm 1997, sau đó do bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã giảm xuống trong các năm 1998-2000 (có năm chỉ thu hút được 1,58 tỷ USD như năm 1999). Những năm gần đây, FDI vào Việt Nam đã được phục hồi và có xu hướng tăng trở lại, từ 2,6 tỷ USD năm 2001 đã tăng lên 5,8 tỷ USD năm 2005. FDI tăng lên không chỉ hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và phương thức kinh doanh hiện đại, khai thác các tiềm năng của đất nước, đào tạo tay nghề và giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động Việt Nam.

Gây đây nhất, việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO và sau khi tổ chức thành công sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước đến nay- Hội nghị thượng đỉnh Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14 (Apec 14)- với sự hiện diện của 21 thành viên tham gia diễn đàn kinh tế lớn nhất cùng các cường quốc hàng đầu thế giới và sự có mặt của hàng nghìn nhà doanh nghiệp đại diện cho các tập đoàn công nghiệp xuyên quốc gia lớn nhất, một làn sóng đầu tư mới đang hứa hẹn sẽ đến Việt Nam với quy mô chưa từng có từ trước đến nay. Cũng trong thời gian này, Việt Nam đã chuẩn bị đón nhận những thách thức và cơ hội mới trong tương lại bằng việc thông qua một số luật sửa đổi như đầu tư, bảo vệ sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp,….. Việt Nam sẽ là bến đỗ đầy hứa hẹn cho các nguồn đầu tư nước ngoài, tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế có những bước nhảy vọt.