Trong các hình thức nghệ thuật ở Nhật Bản thì hội hoạ là một trong những nghệ thuật cổ xưa và tinh tế nhất với rất nhiều phong cách và chất liệu khác nhau.
Cùng với dòng chảy của lịch sử thì hội hoạ Nhật Bản đã trải qua rất nhiều bước thăng trầm, duy trì bản sắc truyền thống nhưng đồng thời vẫn tiếp thu những tinh hoa hội hoạ nước ngoài. Ngày nay, nếu bước vào các phòng tranh ở Nhật, bạn có thể thấy chúng được chia ra thành hai dòng tranh chính là Youga và Nihonga. Nihonga (日本画) là dòng tranh theo phong cách cổ điển Nhật Bản được vẽ trên các chất liệu truyền thống như giấy washi hay lụa. Tuy khái niệm Nihonga hiện đại chỉ hình thành từ sau thời Meiji để phân biệt với tranh theo phong cách châu Âu, nhưng có thể nói chúng là kết tinh những tinh hoa của hội hoạ truyền thống còn lưu giữ lại cho đến ngày nay. |
Hội hoạ Nhật Bản có lịch sử rất lâu đời, với tác phẩm cổ xưa nhất còn lưu giữ đến ngày nay là một bức hoạ tìm thấy trong lăng mộ có từ thời Kofun. Cùng với sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản thì các tranh vẽ xuất hiện chủ yếu trên tường của các ngôi chùa cổ ở Nara. Tranh vẽ thời kỳ này chịu ảnh hưởng lớn của phong cách hội hoạ Trung Hoa thời Tuỳ-Đường với những đường nét tròn trịa và cách đặc tả khuôn mặt nhân vật. Một ví dụ điển hình là chùa Tamamushi có từ giữa thế kỷ thứ 7. Ngôi chùa nổi tiếng với Jakata - bức tranh sơn dầu kể lại sự tích các tiền kiếp của đức Phật - được vẽ theo phong cách rất giống tranh thời nhà Tuỳ. |
E-ingakyo |
Tuy bị ảnh hưởng lớn bởi phong cách Trung Hoa nhưng các tác phẩm vẫn thể hiện những dấu ấn riêng. Điều này có thể được thấy khá rõ trong hai bức vẽ từ thế kỷ thứ 8. |
Bức tranh Kichijoten ở Yakushi-ji thể hiện hình ảnh vị nữ thần của tình yêu và sinh sản với những đường cong đầy đặn trong bộ trang phục cung đình thời nhà Đường. Một tác phẩm khác là bức bình phong 6 mặt vẽ các tiên nữ mặc áo lông chim. Đến cuối thế kỷ thứ 8, kinh đô mới được thành lập ở Kyoto mang tên là Heian-kyo (Bình an kinh) thay cho cố đô Nara, mở đầu cho thời đại thái bình suốt 4 thế kỷ sau đó. Đây là thời đại mà cái đẹp trở thành tiêu chí của văn hoá. |
Shingon mandala |
Năm 804, Kukai sang Trung Hoa học về Mikkyo và mang về Nhật những hình mẫu của các bức hoạ theo phong cách mandala. Đây là những bức hoạ gắn liền với giáo lý nhà Phật, phục vụ cho mục đích tôn giáo. Tuy phục vụ cho mục đích tôn giáo nhưng mandala cũng có thể coi là những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Được vẽ trên lụa bằng những đường nét và màu sắc tinh tế, mandala được cho là công cụ dẫn đến sự khai sáng bằng cái đẹp. |
Đến giữa thời Heian thì Yamato-e dần thay thế phong cách hội hoạ Trung Hoa. Xuất hiện ban đầu trên những bức bình phong, Yamato-e phát triển nhanh chóng sang hình thức tranh cuộn emakimono. Thế kỷ 12 có thể nói là thời kỳ hoàng kim của thể loại tranh cuộn. |
Cho đến đầu thế kỷ thì tất cả tranh vẽ tìm được đều gắn liền với tôn giáo. Nhưng vào khoảng năm 1120, theo sau sự thành công của cuốn tiểu thuyết tình cảm “Genji monogatari” của nữ sĩ Murasaki trước đó một thế kỷ, những bức tranh cuộn minh hoạ cho thế giới bên trong cung cấm của truyện Genji bắt đầu xuất hiện. Nếu như các tác phẩm trước đó còn ít nhiều mang hơi hướng Trung Hoa thì tranh cuộn thế kỷ 12 lại mang trong mình một phong cách Nhật thuần tuý. Bối cảnh tranh cuộn được hé lộ dần dần từ trái qua phải như cách người ta đọc một cuốn sách, với cái nhìn bao quát từ trên xuống (fuki nuke yatai). Những bức tranh cuộn thời kỳ này được biết đến với cái tên onna-e vì chúng thể hiện một thế giới phong nhã của những phụ nữ giam mình trong cung cấm. Các hoạ sĩ cho chúng ta thấy hình ảnh các cung nữ trong những bộ kimono 12 lớp, với gương mặt không chút biểu cảm theo phong cách hikime kagibana. Cảm xúc trong tranh chỉ được phản ánh qua cảnh quan thiên nhiên, hình ảnh mùa thu được gắn liền với vẻ bi cảm đặc trưng thời Heian - mono no aware. |
Đối lập với onna-e, otoko-e là những bức tranh mô tả lại những sự tích, những chiến công thần thánh cũng như cuộc sống dân dã của người dân lao động. Bối cảnh cho otoko-e là vùng nông thôn với các nhân vật có gương mặt bộc lộ cảm xúc một cách tự do. Không tinh tế nhẹ nhàng như onna-e, các đường nét trong otoko-e mạnh mẽ, phóng khoáng, cho thấy một không khí hào hùng đậm chất sử thi. |
Haya raigo |
Shigisan engi |
Jigoku zoshi |