Nghệ Thuật Trang Trí Sơn Đỉnh Trong Kiến Trúc Truyền Thống Tự Viện Nhật Bản.
Biên tập: Thích Tâm Mãn - Thích Minh Thông
(chuaminhthanh.com) Kiến trúc chùa chiền cung điện của Nhật Bản có nguồn gốc từ kiến trúc cung đình và tự viện Phật Giáo của đời nhà Đường-Trung Quốc, đây là lối kiến trúc gỗ mang đậm sắc thái văn hóa của người Đông phương, người Nhật có lẽ là những người gìn giữ và truyền thừa nghệ thuật kiến trúc Đông phương giỏi nhất, qua hơn 1000 năm lịch sử nét văn hóa nghệ thuật kiến trúc của đời Đường vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn trên đất nước Phù Tang.
Sơn Đỉnh hay còn được gọi là Hiết sơn đỉnh, trong truyền thống kiến trúc của Đông phương gọi thể loại kiến trúc có Sơn Đỉnh là Cửu tích điện kiến trúc, Tào điện kiến trúc, Hạ lưỡng đầu tạo kiến trúc, Hiết sơn thức ốc đỉnh kiến trúc. Người Nhật gọi thể loại kiến trúc có sơn đỉnh là Nhập mẫu ốc kiến trúc.
Thể loại kiến trúc có Sơn Đỉnh được phổ biến rộng rãi trong truyền thống kiến trúc của Đông Phương, từ hoàng cung cho đến dân gian, từ chùa tháp cho đến công sở, nhà ở của dân chúng, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của thể loại kiến trúc này, vì hai đầu mái có hai bức tường hình tam giác và đây cũng là đỉnh nhọn cao nhất của nóc nhà cho nên được gọi là Sơn Đỉnh. Vì phía trên của sơn đỉnh có hai đầu mái đưa ra để bảo vệ cho bức tường sơn đỉnh ở trong, cho nên kết cấu này được gọi là Luyến sơn, thường thì điểm hội tụ của hai thành gỗ này thường có treo hoa văn trang trí, những hoa văn này thường mang ý nghĩa tượng trưng cho chủ nhân hoặc là công dụng, hay là ý nghĩa tôn giáo nào đó trong kiến trúc này, Việt Nam gọi kết cấu này là Huyền Ngư.
Vách của sơn đỉnh được trang trí hoa văn theo từ ngữ của kiến trúc gọi là:
1. Sơn tường: là tường cao nhất trong ngôi nhà.
2. Sơn hoa tường: trên tường này thường có trang trí hoa văn.
3. Sơn tiêm tường: góc nhọn cao nhất trong ngôi nhà.
4. Phong hỏa sơn tường: là những tòa kiến trúc thường xây sơn tường cao hơn mái nhà để phòng khi có hỏa hoạn bên ngoài phạm vào.
5. Ngũ hoa sơn tường: trang trí và tô vẽ màu sắc rực rỡ.
Ngày xưa khi kiến trúc của dân gian thường nhỏ bé cho nên sơn đỉnh thường ít được trang trí và cũng có kích thước rất nhỏ. Đến khi xây dựng các công trình to lớn như cung điện, đền chùa.v.v...diện tích của tường sơn đỉnh được nhân lớn lên, tạo ra những không gian rất lớn trên mái nhà, chính vì vậy mà các nghệ nhân bắt đầu tìm cách giải quyết các khoảng trống này, cho nên lối trang trí hoa văn cũng như kết cấu kèo, cột, giá đở chạm khắc trên sơn đỉnh được ra đời và ngày càng được chú ý, cuối cùng trở thành một trong những bộ phận trang trí nghệ thuật tiêu biểu, không thể thiếu trong các công trình kiến trúc cung đình cũng như chùa chiền, đạo quán.v.v…
Dưới đây BBT kính giới thiệu những hình ảnh kiến trúc Sơn Đỉnh trong tự viện Phật Giáo Nhật Bản: