Sang đến thời Muromachi, hội hoạ Nhật Bản lại một lần nữa trải qua những thay đổi lớn. Trong suốt thế kỷ 14, sự phát triển của Phật giáo ở Kamakura và Kyoto đã có ảnh hưởng lớn đến hội hoạ.
Suibokuga là một phong cách khá phổ biến trong giới sư sãi thời kỳ này, với chất liệu chính là mực tàu và những nét cọ thanh thoát, không đi sâu vào chi tiết. |
Tranh phong cảnh được gọi là sansui-ga với hai tên tuổi đầu tiên là Shubun và Sesshu. Nhưng nếu như tranh của Shubun còn tuân theo đúng hình mẫu của những bức tranh sơn thuỷ Trung Hoa thì Sesshu, học trò của ông đã tạo nên những bước đột phá thực sự. |
Từ sau thế kỷ 15, những bức tranh thuỷ mặc dần bị thay thế bởi những bức bình phong dát vàng tìm thấy trong các lâu đài cổ. Chúng tượng trưng cho quyền lực của tầng lớp thống trị. Màu sắc lúc này sáng và tươi tắn, đi vào chi tiết tả thực, thể hiện sự pha trộn giữa hơi hướng hội hoạ châu Âu và yamato-e truyền thống. |
Hình ảnh người nước ngoài cũng được đưa vào tranh, với bối cảnh thường thấy là bến cảng và những con tàu buôn ngoại quốc đang cập bến. |
Thời kỳ Edo mở ra đánh dấu sự xuất hiện của rất nhiều phong cách mới bên cạnh những phong cách đang tồn tại. Một truờng phái khá nổi bật trong thời kỳ này là những bức hoạ mô phỏng lại các tác phẩm văn học cổ điển trên nền dát vàng. |
|
Trường phái Namban vẫn tiếp tục phát triển lên tới đỉnh cao, tập trung ở khu vực cảng Nagasaki là cảng duy nhất còn mở cửa với nước ngoài sau khi ban hành chính sách sakoku. Trong lúc đó, Ike no Taiga và các hoạ sĩ khác của trường phái Nanga lại muốn quay lại với phong cách tranh thuỷ mặc cổ điển. |
|
Nhưng đã nói đến hội hoạ thời Edo thì không thể bỏ qua dòng tranh khắc gỗ phù thế Ukiyo-e, với đủ mọi đề tài từ cảnh sinh hoạt thường ngày cho đến các kỹ nữ ở “phố đèn đỏ”. Nếu như các phong cách khác chỉ giới hạn tầm ảnh hưởng trong tầng lớp thượng lưu và giới quý tộc thì Ukiyo-e với những bản khắc gỗ rẻ tiền hơn cho phép những người dân ở tầng lớp dưới cũng có thể thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật này. Do đó, không có gì ngạc nhiên nếu đây là phong cách được biết đến rộng rãi nhất cả trong và ngoài nước lúc bấy giờ. |
Từ sau thời Meiji, nước Nhật trải qua nhiều thay đổi lớn về chính trị và xã hội. Những thay đổi này đã có tác động rất lớn, để lại dấu ấn trên mọi phương diện của nền văn hoá. Nhưng các phong cách truyền thống vẫn luôn là nền tảng cho sự phát triển của nền hội hoạ Nhật Bản. Trên đây chỉ là một vài nét rất sơ lược về hội hoạ truyền thống. Quả thực, sẽ là quá tham vọng nếu muốn tóm tắt lại lịch sử hội hoạ của cả một dân tộc chỉ trong vài dòng ngắn ngủi. Nhưng Ichi hy vọng bài viết này có thể ít nhiều giúp ích được cho các bạn yêu thích mỹ thuật và quan tâm đến văn hoá con người Nhật. |