Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Chủ nghĩa tối giản trong nội thất Nhật Bản... (Phần I)


Chủ nghĩa tối giản (minimalism) trong nội thất nhật bản & những ứng dụng thực tế




I.MỞ ĐẦU:
Có một nhà văn đã viết rằng : “Đời người thật mãn nguyện khi sinh một đứa con, trồng một cái cây,viết một quyển sách và… xây được ngôi nhà cho chính mình”. Thật vậy, cái gắn bó nhất với cuộc sống con người,yếu tố ổn định nhất của mọi gia đình, mọi xã hội chính là ngôi nhà. Ngôi nhà không chỉ có nhiệm vụ che nắng mưa,mà nó còn phải đáp ứng nhu cầu văn hoá,tinh thần, tâm linh & nghệ thuật của con người.Ngôi nhà cũng không chỉ là tài sản riêng,thể hiện cá tính của cá nhân mà nó còn là tài sản chung,niềm tự hào của xã hội,thể hiện bản sắc văn hoá của cả một địa phương.Một ngôi nhà đẹp là sự tổng hợp của nhiều yếu tố : kiến trúc, kết cấu, mỹ thuật…đối với không gian kiến trúc bên ngoài lẫn nội thất bên trong.
Yếu tố thẩm mỹ trong việc thiết kế không gian nội thất nhà ở có ý nghĩa hết sức quan trọng.Ngoài việc kết hợp yêu cầu sử dụng, tiện nghi, nó còn là nơi chốn đi về gần gũi & thân thương của mỗi thành viên trong gia đình, là nơi sinh hoạt , gặp gỡ, là không gian gần gũi, giúp ta xoá đi những mệt mỏi & lo toan trong cuộc sống
Nội thất Việt Nam đương đại mang nhiều hình thái & nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau.Người dân Việt Nam đứng trước nhiều sự lựa chọn phong phú : nội thất kiểu hiện đại, cổ điển, thuộc địa, kiểu tối thiểu, kiểu romantic…. Trong đó nghệ thuật tối thiểu (Minimalism) xuất hiện trên thế giới từ những năm 1950 & dần trở thành một trong những khuynh hướng đang được ưa chuộng nhất trên thế giới hiện tại
Những công trình của các kiến trúc sư Claudio Silvestrin, Tadao Ando…là những ví dụ minh hoạ rõ nhất cho trường phái này.Nhật Bản là một quốc gia thuộc Châu Á, đây còn là một trong những nước áp dụng chủ nghĩa tối thiểu thành công trong kiến trúc xây dựng, nhà ở cũng như nội thất.Minimalism trong nội thất Nhật Bản vừa mang đậm tính dân tộc ,thấm đượm văn hoá truyền thống, nhưng không hề mất đi bản chất cơ bản vốn có của khuynh hướng này.
Nghiên cứu sâu hơn về phong cách tối thiểu (minimalism) tại Nhật Bản giúp ta hiểu rõ hơn về văn hoá tinh thần của người Nhật Bản, hiểu sâu hơn về quan niệm thẩm mĩ đối với cái đẹp trong trang trí nội thất.Từ đó,chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm thiết thực và khả năng ứng dụng rộng rãi phong cách này trong ngôi nhà Việt Nam
Bài nghiên cứu chuyên đề này là sự tổng hợp quan điểm & nhận thức cá nhân của tác giả với nhiều nguồn tài liệu khác nhau (Sách vở, tạp chí, internet….) với mong muốn nêu bật,làm rõ khuynh hướng tối thiểu – nguồn gốc,các lĩnh vực nghệ thuật ảnh hưởng phong cách này & nhất là ứng dụng của nó trong lĩnh vực trang trí nội thất Nhật Bản.Từ đó nêu lên những ví dụ tiêu biểu ảnh hưởng phong cách này trong nội thất Việt & hướng phát triển lâu dài tại Việt Nam
II.GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
2.1 DESIGN – MỘT KHÁI NIỆM GIỮA MỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHIỆP
Chúng ta nghe thấy khái niệm design ở mọi nơi.Chỗ nào người ta cũng nói đến design, những tưởng design như là hơi thở, như là không khí hàng ngày ta sống.Design trở thành một phạm trù văn hoá, nó chiếm 1 chuyên mục riêng trong các tạp chí , các chuyên san, các chương trình vô tuyến giống như mỹ thuật, văn học.
Đến nay ta sẽ vấp phải một câu hỏi :”Design là gì?”- câu trả lời cũng khó khăn không kém gì câu hỏi :”Nghệ thuật là gì?”.Và bởi vì Design là một lĩnh vực về mặt lý luận và thực tiễn đều chịu sự chi phối của các yếu tố rất khác nhau, nên đối với lĩnh vực mới mẻ này ta cũng chưa thể có một “định nghĩa thống nhất”.Tuy thế ta vẫn nên có một định nghĩa chung, cần nhìn xa về hướng chân trời đang mở.
Danh từ Design xuất xứ từ gốc chữ Ý Disegno – có từ thời Phục Hưng – có nghĩa là phác thảo, bản vẽ và bao trùm toàn bộ là công việc của một sự sáng tạo
Khái niệm ngày xưa: Design là việc sản xuất ra một sản phẩm theo phương pháp công nghiệp, bởi lẽ do sự phát triển và phân công lao động của quá trình công nghiệp hoá thì việc thiết kế và thi công, đã không còn nằm trong tay một người thợ như trước nay và đó chính là tiền đề cơ bản cho sự ra đời nghề Design (nhà tạo mẫu), người lãnh trách nhiệm sau này được gọi là nhà tạo dáng công nghiệp
Khái niệm ngày nay: Design là khái niệm về phác thảo và lập kế hoạch cho sản phẩm công nghiệp..Khái niệm design đồng nghĩa với sự đơn giản về hình dáng, và sự đơn giản của hình dáng lại đồng nghĩa với tiện dụng, chất lượng cao và giá thành hợp lý
Định nghĩa:
Design là một nghề nghiệp phong phú và đa dạng.Người ta chia ngành nghề này làm hai nhánh: Thiết kế đồ hoạ và thiết kế công nghiệp.
Chức năng của Design:
Design là một quá trình được bắt đầu từ phác thảo & lập kế hoạch để thực hiện sản xuất 1 sản phẩm hoặc thực hiện 1 dịch vụ.Đó là quá trình phát triển biện chứng qua lại giữa việc xác định nội dung của sản phẩm để xây dựng 1 hình thức thích hợp cho nó.Nói đến điều đó không chỉ đề cập đến việc xác định các chức năng kĩ thuật, chức năng về nhân trắc, mà còn hàng loạt các chức năng khác như : thẩm mĩ, ký hiệu và biểu tượng, tạo nên khả năng giao tiếp của sản phẩm.Năm 1937 nhà triết học Tiệp Khắc J.Mukarovsky đã phát triển một mô hình mà ở đó ông đã xác định năm chức năng chính của kiến trúc :”Chúc năng gián tiếp,lịch sử, cá thể, xã hội và thẩm mĩ”
Nhiều mô hình lý thuyết tương tự đã xuất hiện, trở thành đối tượng tranh luận giữa hình dáng và công năng trong lịch sử phát triển Design.Chúng ta có thể xác định 3 chức năng chính của 1 sản phẩm khi nói về Design:

  1. Chức năng kĩ thuật và thực tiễn
  2. Chức năng thẩm mĩ
  3. Chức năng biểu tượng

Lịch sử Design:
Khi nói đến lịch sử Design ta không chỉ đề cập đến sự phát triển về kĩ thuật, kinh tế, thẩm mĩ và xã hội mà còn phải đề cập đến các yếu tố khác nữa như tâm lý, văn hoá và mội trường.Lịch sử Design, đó không chỉ là lịch sử của đồ vật và hình dáng của chúng,lịch sử Design là lịch sử cùa các hình thức sống, là mối quan tâm và phong cách ứng xử trong quan hệ giữa con người và đồ vật được phản ánh phần lớn trong lịch sử văn hoá và nền văn minh của thế kỉ 21
Ứng dụng của design trong cuộc sống:
Nếu như ngày nay chúng ta coi Design là sản phẩm của quá trình công nghiệp hóa thì sự hình thành của Design hiện đại cũng không thể tách rời những yếu tố của thời kì tiền công nghiệp.Bởi ngay thời kì đầu từ hình dáng, phong tục tập quán, cách sử dụng và hình mẫu thẩm mĩ của thời kì đó đã mang tính định hướng và ý nghĩa to lớn cho sự phát triển sau này.Trong cuộc sống ngày nay , design xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ những sản phẩm 2D như đồ hoạ, đến những sản phẩm tạo dáng phục vụ cho đời sống hàng ngày (bàn ghế, ly tách,máy móc…) & cao hơn nũa là những không gian sống của con người : những công trình nội, ngoại thất.

Trong bài nghiên cứu này,chúng ta sẽ đi sâu vào việc tìm hiểu một nhánh riêng của design : nghệ thuật thiết kế không gian nội thất. Tiêu biểu là chủ nghĩa tối giản (Minimalism) trong không gian nội thất Nhật Bản & ứng dụng mang tính thực tiễn của phong cách này đối với nội thất Việt Nam.
2.2 CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN (MINIMALISM) & NHỮNG KHUYNH HƯỚNG KIẾN TRÚC TRÊN THẾ GIỚI
Thế giới ngày nay biến đổi nhanh chóng đến mức chóng mặt va` biểu hiện bằng những hình khối xây dựng.Nhưng nếu không hiểu được cuộc sống hiện nay thì làm sao có thể hiểu được những gì đang diễn ra trong kiến trúc.Do đó các kiến trúc sư đương đại đang cố gắng kết hợp những đòi hỏi thiết thực của thời đại với những vật liệu, kĩ thuật tiên tiến, để vừa tạo nên những ngôn ngữ kiến trúc giàu ý nghĩa ,phù hợp với những nhu cầu mới, lại vừa bảo tồn được những giá trị tinh thần trong văn hoá truyền thống
Kiến trúc thế giới đương đại xuất hiện nhiều lối đi khác nhau, các kiến trúc sư đang tìm kiếm những giải pháp khác nhau cho cuộc sống tại thời điểm bước ngoặc của thế kỉ. Sơ lược lại những khuynh hướng kiến trúc trên thế giới giúp ta tìm hiểu rõ hơn về các phong cách, các trào lưu thiết kế, từ đó rút ra những kinh nghiệm & những bài học bổ ích trong các lĩnh vực thiết kế kiến trúc nội-ngoại thất.
Xu hướng kiến trúc HIỆN ĐẠI (Modern Architecture)
Phong trào hiện đại có nhều nguồn gốc & các nguồn gốc đó đã được tranh luận,xác định & chối bỏ trong hai mươi lăm năm cuối thế kỉ.Phong trào hiện đại vừa là một sự tìm tòi triết học trong cái đẹp kiến trúc, vừa là cuộc cách mạng trong cảm xúc thẩm mĩ.Chủ nghĩa Hiện đại chia làm hai trường phái với những quan điểm về thiết kế kiến trúc & quan niệm thẩm mĩ hoàn toàn khác nhau.Nhóm thứ nhất theo chủ nghĩa Thuần tuý say sưa với ý tưởng vẻ đẹp kiến trúc chính đơn thuần tuân theo chủ nghĩa công năng tuyệt đối,không chứa đựng bất cứ hình thức trang trí nào.Mặt khác, có những kiến trúc sư như Le Corbusier hay Oscar Niemeyer đã nhanh chóng chán ngấy từ “công năng”.Họ mơ ước sáng tạo một hình thức kiến trúc đích thực của thế kỉ, sự tán dương thời đại máy móc mà vẫn mang đầy tính mỹ thuật cũng như tính thẩm mĩ độc đáo của các công trình kiến trúc.Đây chính là sự tranh chấp & mâu thuẫn ngay trong Chủ nghĩa Hiện đại.
Chủ nghĩa Hiện đại quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ & giải phóng kiến trúc khỏi những quy tắc ngột ngạt của qui ước & nghi thức.Những người theo chủ nghĩa Hiện đại tiêu biểu nhất là Mies Van Der Rohe cho rằng nhà kiến trúc có thể sáng tạo & định hình một thứ mĩ học có hình thức tối thiểu nhắm tới một trạng thái hoàn hảo mà không ai ngoài nghệ sĩ có thể tìm ra.

Toà nhà HUMBERTUS (KTS Aldo Van Eyck,1980,Hà Lan)

Nghệ thuật “Tối giản” nổi lên thành trào lưu trong những năm 1950s & tiếp tục phát triển trong thập kỷ 60-70.Đây là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tranh hoặc tượng với sự đơn giản trong cả nội dung & hình thức thể hiện, luôn tìm cách xoá bỏ những dấu hiệu của sự biểu hiện cá nhân. Mục đích của Minimalism là cho phép người xem thưởng thức một tác phẩm một cách thuần khiết ,không bị sao nhãng bởi bố cục, chủ đề…

Trại ngựa giống SAN CRISTOBAL (Mexico,1868-KTS Luis Barragán)

Xu hướng kiến trúc HẬU HIỆN ĐẠI (Post – Modern Architecture)
Kiến trúc Hậu Hiện Đại (Post-Modern Architecture) hình thành từ những năm 1960-1970, đó là thời kì chủ nghĩa Hiện Đại bắt đầu đi vào khủng hoảng, nhưng mãi đến năm 1977, nó mới được gọi chính thức là “Kiến trúc Hậu hiện đại”.
Có phải ít tức là nhiều ?Có phải ít tức là nhàm chán? Đó là câu hỏi mà các nhà thiết kế đã tranh luận hàng nhiều thế kỉ. Robert Venturi-kiến trúc sư tiên phong của chũ nghĩa Hậu Hiện Đại,trong những bài viết sắc sảo của mình đã cho rằng kiến trúc Hiện Đại là nhàm chán, nó quá trừu tượng, quá sạch sẽ và tinh khiết, nên đã để mất khả năng giao tiếp với quần chúng. Ông châm biếm chủ thuyết “less is more”(ít tức là nhiều) do Mies Van Der Rohe đề xướn bằng lối “nói lái” hóm hỉnh :”less is bore”(ít tức là nhàm chán).Ta có thể tạm chia kiến trúc Hậu hiện đại thành các nhóm:

  • Xu hướng Chiết trung-Lịch sử : với các kiến trúc sư như : Charles Moore ( Piazza Italia,1979),Isozaki (Disney Building,Florida 1989-1991)
  • Xu hướng khai thác phong cách kiến trúc địa phương : Kiến trúc sư Venturi & các cộng sự (Mothers House,Chestnut Hill,1964)
  • Xu hướng cổ điển Hậu hiện đại : các công trình tiêu biểu của kiến trúc sư người Pháp Ricardo Bofill
  • Xu hướng Pop Art : các công trình của các kiến trúc sư : Hans Hollein,Robert Stern…

1. Kiến trúc Hậu hiện đại xuất phát từ chỗ phê phán, chỉ trích đối với Kiến trúc Hiện đại vì các nguyên tắc quá cứng nhắc & mang tính kiểm soát chặt chẽ của nó.Một trong những sai lầm quan trọng nhất của Kiến trúc Hiện đại là tách rời nhân tố lịch sữ, không chấp nhận kế thừa quá khứ(ví dụ như xu hướng Vị lai) đã bị lên án mạnh mẽ bởi các nhà Kiến trúc Hậu hiện đại.
2. Quá nhàm chán thứ ngôn ngữ trừu tượng, khó hiểu, gần như điêu khắc của kiến trúc Hiện đại,Kiến trúc Hậu hiện đại quay về với những đề tài mang tính lịch sử, tính địa phương để tạo cho mình một thứ ngôn ngữ gần gũi với quần chúng hơn, nhằm gia tăng khả năng giao tiếp với đa số quần chúng.
3. Kiến trúc sư Hiện đại dề cập đến nhiều “ảo tưởng”, do đó những mong muốn của họ trở nên khó thực hiện.Bám sát hiện thực hơn,kiến trúc Hậu hiện đại lại bày tỏ thái độ chấp nhận những điều kiện khó khăn, tính chất tiêu cực của thực tế…để tiến hành xây dựng.Thoát bỏ được tính giáo điều phi lý, cứng nhắc của chủ nghĩa Hiện đại, kiến trúc Hậu hiện đại lại thường tỏ ra quá tự do , đôi khi mất phương hướng và rơi vào tình trạng cực đoan.
4. Kiến trúc Hiện đại mong muốn tìm giải pháp chung cho mọi người, mọi quốc gia, xem nhẹ những đặc điểm riêng, cá tính, văn hoá địa phương dẫn đến việc huỷ hoại tính địa phương và văn hoá của nó.
5. Tuy không tồn tại được lâu, nhưng xu hướng kiến trúc Hậu hiện đại đã có tác dụng kích thích nền kiến trúc đương đại thoát ra khỏi những ràng buộc mang tính giáo điều của kiến trúc Hiện đại.

Trung tâm dân vụ Hillingdon (RMJM) – Trạm bơm (John Outram,1988)

Xu hướng DECONSTRUCTION (Chủ nghĩa giải toả kết cấu)
Kiến trúc giải toả kết cấu , thông qua sự rối ren của hình học để bổ sung cho kiến trúc hiện đại như là một quá trình tự tìm kiếm bản thân của nó.Có 2 xu hướng được đặt ra:

  • Xu hướng thứ nhất cho rằng Kiến trúc “Giải toả kết cấu” không phải là một phong trào, không phải là một tín điều, mà chỉ là mong muốn tái thẩm định những giá trị của kiến trúc Hiện đại (Jennifer Taylor)

a) Những công trình tiêu biểu:

  • Triết lý về sự dở dang : Cửa hàng bập bênh (Maryland,Hoa kỳ,1976-1978),Cửa hàng lỗ khấc (California,1976-1977) do nhóm SITE thực hiện
  • Triết lý về sự đảo ngược: Bến xe ma (Connecticut,1977-1978), công viên LA VILLETTE (Paris,1982-1990)-KTS Bernard Tschumi. Xu hướng thứ 2 cho rằng : Đây là phong cách kiến trúc mới.Vì các kiến trúc sư này đi tìm một thứ ngôn ngữ gây ấn tượng mạnh mà không cần chú ý đến yêu cầu chức năng, thậm chí còn chống lại và từ bỏ các chuẩn mực trong xây dựng và trang trí.

b) Các công trình tiêu biểu:

  • Ngôi nhà VI (Connecticut,1972-1975)-KTS Peter Eisenman
  • Trạm cứu hoả bên bờ sông RHIM (Weil,1972-1993)-KTS Zaha Hadid
Công viên LA VILLETTE (Bernard Ischum & các cộng sự)

Xu hướng KIẾN TRÚC DUY LÝ ở ITALIA
Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của kiến trúc truyền thống,kiến trúc Hiện Đại ở Ý đã phát triển theo con đường riêng của mình,mang màu sắc của một sự pha trộn đặc thù giữa chủ nghĩa hiện đại & chủ nghĩa cổ điển, đó chính là cái tạo nên kiến trúc của “Chủ nghĩa duy lý ITALIA”. Chủ nghĩa duy lý ITALIA quan tâm đến một nền kiến trúc sáng lạn, bền lâu và công chúng có thể thưởng lãm bằng tri giác chứ không phải bằng lý trí.Kiến trúc của chủ nghĩa duy lý ITALIA được xây dựng trên cơ sở những hình khối thuần tuý do không gian kiến trúc quy định, không trang trí và được “tiêu chuẩn hoá”.Trào lưu này mong muốn tìm ra được những hình khối kiến trúc bền vững, có thể tồn tại được với thời gian,duy trì hình thức kiến trúc đặc, nặng, một phần do thường sử dụng những vật liệu quen thuộc như gỗ,gạch, bê tông…Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kiến trúc & lịch sử thì đây là một trong những trào lưu kiến trúc mạnh mẽ, phát triển rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay.
c). Những công trình tiêu biểu:

  • Công trình Breitenfurterstrasse (Vienna,1987)-KTS Krier
  • Nhà ở FRIEDRICHSTADT (Berlin,1987)-KTS Aldo Rossi
    Khách sạn PALAZZO (Fukuoka,1987-1989)-KTS Aldo Rossi
Nhà ở Friedrichstadt (Berlin,1987-KTS Aldo Rossi

Kiến trúc HIỆN ĐẠI MỚI (New Modern Architecture)
Hiện đại mới ( New – Modern) là một trào lưu kiến trúc kế tục những nguyên tắc của Kiến trúc Hiện đại, nhưng có một sự cách tân đáng kể trong việc tìm tòi những đường hướng biểu hiện mới.Đó là xu hướng kiến trúc tuân theo những nguyên tắc của chủ nghĩa Hiện đại, nhưng từ bỏ cái bản tính độc đoán và giáo điều đã ngự trị từ lâu trong đó.Khác với kiến trúc Hậu hiện đại, những kiến trúc sư của phong trào Hiện đại mới đi tìm sự phong phú , đa dạng cho kiến trúc không phải từ những đề tài lịch sử & trang trí, mà từ chính những hình khối thuần khiết của kiến trúc.Những kiến trúc sư thuộc phong trào này luôn chứng tỏ một khả năng tuyệt vời trong việc xử lý không gian và các hình khối hình học thuần tuý , cái mà họ coi là “ngôn ngữ” của kiến trúc.
a). Những tác phẩm tiêu biểu:

  • Toà nhà phía đông bảo tàng nghệ thuật quốc gia (Washington DC,1978,KTS Ieoh Ming Pei)
  • Công trình CITÉ DE LA MUSIQUE (Paris,1984-1995,KTS Christian Portzamparc)
    Ngôi nhà SMITH ở DARIEN (Connecticut,1965-1967,KTS Richard Meier)
Câu lạc bộ văn học (Richard Meier,1979,Indiana,Hoa Kỳ)

Xu hướng kiến trúc HIGH -TECH
Đầu những năm 1970 thế giới đã chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ đầy sáng tạo của khoa học kĩ thuật và những hệ quả tất yếu của tiến bộ này đã sản sinh ra 1 nền công nghệ cao,còn được gọi là Hi-Tech (chữ viết tắt của High technology).Một trong những đặc trưng quan trọng nhất của nền công nghệ cao là tạo ra được nhiều chủng loại vật liệu có tính năng mới có thể đáp ứng yêu cầu & thích hợp với nhiều ngành sản xuất thuộc các lĩnh vực mũi nhọn như : hàng không, thám hiểm đại dương, du hành vũ trụ…Trong bối cảnh đó, kiến trúc với tư cách là một loại hình tiện ích trong các đô thị cũng kịp thời có được những bước chuyển biến mới, thích nghi với nhịp điệu của thời đại nhờ sự vận dụng khéo léo những thành tựu của công nghệ & kĩ thuật cao vừa nói trên.Xu hướng kiến trúc này vì vậy cũng được mệnh danh là “kiến trúc Hi-tech”
Khuynh hướng kiến trúc Hi-tech đã thực thi những quan điểm trái ngược với kiến trúc cổ điển thông qua việc bác bỏ tính hàn lâm kinh viện
Chú trọng đến công năng,loại bỏ trang trí
Cùng với sức mạnh của công nghệ,tính ưu việt của kết cấu & vật liệu dụng phổ biến vật liệu cao cấp,Kiến trúc Hi-tech đã làm nảy sinh quan niệm mới trong sáng tác kiến trúc.Bộc lộ kết cấu là xu hướng được ưa thích của kiến trúc Hi-tech, kết cấu không những được bộc lộ mà cả hệ thống giao thông, đường ống kỹ thuật cũng được phô bày ra bên ngoài mặt đứng công trình
Tìm ra phương pháp chế tạo cấu kiện dựa trên nguyên tắc địa hình hoá, cấu kiện hoá & tìm thẩm mĩ ngay trong chi tiết kết cấu.Các đồ án của nó hoàn toàn mang tính khả thi.
Kiến trúc Hi-tech có nhược điểm là không mấy chú ý đến tính lịch sử & cảnh quan đô thị, công trình kiến trúc đôi khi lấn át thiên nhiên.
a). Những tác phẩm tiêu biểu:

  • Trung tâm văn hoá Pampidou (Paris, 1971-1977)-KTS Richard Roger & Renzo Piano
  • Lloyds Building (London,1979-1980)
  • Cảng hàng không Kansai (Nhật Bản,1991-1994)-KTS Renzo Piano
    Trung tâm triển lãm Sysney (1985-1988)-KTS Philip Cox
Bảo tàng DE MENIL ( Houston,Texas,1986-KTS Renzo Piano)

Kiến trúc NHẬT BẢN đương đại
1. Xu hướng tìm tòi đặc tính dân tộc sau thế chiến thứ 2
Phát triển mạnh mẽ sự kết hợp truyền thống dân tộc với kỹ thuật hiện đại
Tìm sự phù hợp giữa nhu cầu mới của con người với khí hậu, tập quán & truyền thống dân tộc
Phát huy mối liên hệ “kiến trúc-con người-thiên nhiên”
a) Những công trình tiêu biểu :

  • Toà thị chính Karaiusu,Quận Tottori (1955-1957)-KTS Kenzo Tange
  • Bảo tàng nghệ thuật hiện đại (1951)-KTS Kakalzura
  • Bênh viện cứu tế (1955)-KTS Mameru Yamada
Toà thị chính Kusashiki,Okayama,1960-KTS Kenzo Tange

2. Xu hướng kiến trúc Chuyển Hoá Luận (Metabolism)
Chuyển hoá luận là một lý thuyết bàn về sự vận động & chuyển hoá trong kiến trúc & đô thị.Chuyển hoá luận chủ trương kiến trúc phải đáp ứng hoặc phát triển không ngừng các yêu cầu của xã hội, chống sự lão hoá của công trình.Do đó hình thức của nó cần phải chống lại sự tĩnh tại, cố định & có khả năng thích ứng với môi trường & thay đổi.Do chú ý đến tính linh hoạt của kiến trúc nên công trình “xây xong” vẫn còn như dang dở, còn phải tiếp tục.
Chuyển hoá luận thực sự trở thành cuộc cách mạng trong quan niệm về kiến trúc.Họ quan niệm trong vật thể kiến trúc tồn tại hai bộ phận, một bộ phận của cái khả biến & bộ phận kia thuộc về cái bất biến.những cái bất biến chính là giá trị tinh thần của công trình như biểu tượng, nội hàm tôn giáo, sở thích thẩm mĩ…là những cái mà chúng ta chỉ có thể nhân biết được bằng vốn sống & nhận thức văn hoá của mình.Còn những bộ phận khả biến là các yếu tố như công năng,công nghệ, vật liệu xây dựng…là những cái mà chúng ta có thể nhận biết được dễ dàng bằng trực giác, có thể cân, đong, đo đếm được.
b) Những công trình tiêu biểu :

  • The Sky House (Tokyo,1959)-KTS Kikutake
  • Nhà thờ Saint Mary (Tokyo,1964)-KTS Kenzo Tange
  • Đồ án Thành phố trên không (1962)-KTS Arata Isozaki
Tổ hợp TDTT OLYMPIC,TOKYO,1964-KTS Kenzo Tange

3. Xu hướng kiến trúc cộng sinh
Học thuyết cộng sinh trong kiến trúc được mở đầu bằng sự ra đời của phong trào Chuyển hoá luận ở Nhật năm 1960.Kiến trúc sư Kurokawa,chủ trương kiến trúc không nên được thiết kế rõ ràng về không gian, mà phải tạo ở đấy những yếu tố nhập nhằng & tối nghĩa.Công nghệ & con người trong mối quan hệ “cộng sinh” thì không tồn tại ở thế đối lập,mà phải trong sự tương tác hỗ trợ lẫn nhau để cùng tồn tại & phát triển, trong mối quan hệ này thì công nghệ phải trở thành”sự mở rộng của con người”
Nền tảng triết học sâu xa của thuyết cộng sinh bắt nguồn từ văn hoá truyền thống của Nhật Bản, thực chất là nền văn hoá dựa trên sự dung hợp, hoà trộn của nhiều tư tưởng triết học & tín ngưỡng như: Phật giáo,tư tưởng Khổng,lão,tín ngưỡng thần đạo (Shinto),tính luân hồi (Samsara). Cộng sinh hoàn toàn có ý nghĩa cùng sự tồn tại, sự thoả hiệp hoặc sự hài hoà. Nó còn có thể là tình trạng trong đó hai yếu tố đối lập hoặc thâm chí có thể chống lại nhau, cũng vẫn phải cần đến nhau.Đây là những gợi ý quan trọng nhất trong việc hình thành triết lý công sinh trong kiến trúc.
a) Những công trình tiêu biểu:

  • Đồ án Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại Nagoya,1987-KTS Kurokawa
    Đồ án Khách sạn Hoàng tử Roppongi,1984-KTS Kurokawa
Bảo tàng nghệ thuật Hiện Đại Nagoya,1987, KTS Kisho Kurokawa

4. Trường phái Làn sóng mới (New Wave)
Trường phái này bao gồm một chuỗi những ngôi sao đang bừng sáng như là : Ando,Hara,Hasegawa…nhưng đại diện tiêu biểu nhất chính là kiến trúc sư Tadao Ando.Ông là người rất quan tâm đến truyền thống, biết khai thác truyền thống theo cách riêng của mình.Ông nói :”tôi không muốn lấy lại của kiến trúc truyền thống những hình dáng hoặc yếu tố phong cách nào cả, mà chỉ một chút tinh thần ẩn dật ở đằng sau thôi”.
Một số đặc điểm trong sáng tác của Tadao Ando:

  • Sử dụng những hình thức hình họa của kiến trúc truyền thống
  • Thủ pháp “cắt cảnh”
  • Khai thác yếu tố ánh sáng theo cách thức của văn hoá truyền thống
  • Khai thác các đặc tính thẩm mĩ của văn hoá truyền thống

a) Những công trình tiêu biểu:

  • Nhà thờ ánh sáng (Ibaraki,Osaka,1989)-KTS Tadao Ando
  • Nhà làm việc của tập đoàn Raika,Osaka,1989-KTS Tadao Ando
Đền thờ trên mặt nước (Đảo Awaji,Nhật Bản,1992,KTS Tadao Ando)


nguồn : http://www.interiorhcmc.edu.vn/Searc…8MINIMALISM%29