Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Chủ nghĩa tối giản trong nội thất Nhật Bản... (Phần III)

CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN (MINIMALISM) TRONG NỘI THẤT NHẬT BẢN & NHỮNG ỨNG DỤNG THỰC TẾ TẠI VIỆT NAM

IV .NGHỆ THUẬT TỐI GIẢN TRONG NỘI THẤT NHẬT BẢN

Thế kỉ XX đã chứng kiến sự bùng nổ của rất nhiều trào lưu nghệ thuật cũng như kiến trúc xuất phát từ Châu Âu & sau đó lan toả trên toàn thế giới.Giữa lúc tình hình kiến trúc thế giới đang đi vào bế tắc thì người ta chợt tỉnh giấc khi chứng kiến những công trình của các kiến trúc sư như Kenzo Tange,Kisho Kurokawa,Tadao Ando…lần lượt xuất hiện trong những dáng vẻ cực kì phong phú,tất cả đều hiện đại,song lại đậm nét văn hoá truyền thống dân tộc.
Kiến trúc Nhật Bản thành công là do chính đặc tính văn hoá & con người Nhật Bản ,khả năng thích ứng cao với sự biến đổi,cũng như tìm cho mình một phong cách sáng tạo kiến trúc phù hợp với những biến đổi đó
Nét nổi bật của kiến trúc đương đại Nhật Bản là chất lượng cao trong các công trình kiến trúc & ít quan tâm đến những trào lưu,trường phái hay phong cách.
Nguyên nhân :

  • Do đặc điểm phát triển tự nhiên cũa những điều kiện văn hoá trong xã hội Nhật Bản,người Nhật không những muốn gìn giữ truyền thống của họ, mà còn muốn phát triển chúng xa hơn
  • Tính phù du – tín ngưỡng Shinto về sự luân hồi – là cơ sở quan trọng trong quan niệm thẩm mĩ & nghệ thuật của dân tộc Nhật Bản.Họ quan niệm mọi thứ trên đời đều có tính luân hồi, mọi vật đều không hoàn hảo – đều đó mới là đúng nghĩa với tự nhiên, mới là đẹp.Thậm chí những ngôi đền của họ đều không tồn tại lâu dài (ngôi đền thờ Thần Đạo ở Ise là một ví dụ)
  • Sống trong hoàn cảnh một đất nước vừa ít tài nguyên thiên nhiên ,lại luôn phải đối phó với thiên tai khắc nghiệt,một nền kinh tế & kĩ thuật vốn nghèo nàn, lạc hậu,người Nhật Bản đã tự mình thích ứng với tâm lý cảm thụ nghệ thuật đặc biệt,đó là một thứ thẩm mĩ tinh tế, dựa vào sự yêu quý, tôn thờ đối với thiên nhiên, coi trọng cái mộc mạc, giản dị,thậm chí còn nâng chúng lên ngang với một thứ tôn giáo.Khía cạnh này trong tinh thẩm mĩ Nhật Bản rất dễ hoà hợp với tư tưởng của triết học Lão Trang cũng như Thiền học du nhập từ Trung Hoa,để rồi cuối cùng ngưng kết trong hai khái niệm đơn giản gọi là wabi & sabi.Wabi thì diễn đạt sự tôn thờ cái đơn giản,kiệm ước được chắt lọc tới mức tinh tuý nhất,còn sabi tạo nên những xúc cảm thẩm mĩ học được kết lắng từ việc chiêm nghiệm,thưởng thức cái đơn giản, kiệm ưc tinh tế ấy với cảm xúc thanh tao, tẩy trần.Tinh thần đó nói lên rằng vẻ đẹp thật sư ẩn chứa trong nội giới của mỗi cá thể mà không cần viện đến một ngoại giới cầu kì.Nguyên lý này giải thích tại sao các luận đề của nghệ thuật truyền thống Nhật Bản lại chủ yếu dựa vào các đặc trưng về tính trống trải,tính chưa hoàn thiện, tính ẩn lánh,xu hướng uớc lệ (biểu tượng hoá) & ẩn dụ…(ví dụ : vườn thiền Ryoan là một minh hoạ rõ nhất)
  • Người Nhật thích thú với các hình thức đơn giản trong ngôi nhà của mình.Nghệ thuật của việc tạo nên sự trống trải thực sự là một hình thức tiềm ẩn mà phải đạt tới trình độ cao mới có thể thể hiện được.

4.1 QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI NHẬT BẢN

Nét văn hoá nghệ thuật truyền thống Nhật Bản :

  • Thơ ca : Thành tựu rực rỡ nhất là thơ haiku.Các nhà thơ haiku hàng đầu Nhật Bản là : Matsuo Basho,Yosa Buson..Thể thơ haiku được hình thành từ nửa trên của một bài tanka.Thơ tanka đã ngắn,chỉ có 31 âm tiết, thơ haiku lại còn ngắn hơn nữa,chỉ có 17 âm tiết,ngắt thành 3 đoạn theo thứ tự :5-7-5 âm tiết.Từ của tiếng Nhật đa âm,cho nên một bài haiku có khi chỉ có mấy từ.Tuy nhiên, sức mạnh của haiku là sức mạnh nguyên tử : lượng thì rất ít nhưng sức lan toả của nó lại vô cùng.Thơ haiku dành rất nhiều khoảng trống cho sự cảm nhận & tưởng tượng của người đọc.Dường như nhà thơ chỉ làm có một nửa, còn một nửa để người đọc tự làm lấy.Thơ haiku cũng như bonsai, thu gọn cả một vũ trụ trong nó.
  • Trà đạo là cách thứ chống lại thói xa hoa trong kiểu cách uống trà của quý tộc Trung Hoa.Trà được sử dụng trong trà đạo là loại trà thường được trồng ngay ở Nhật Bản, không cần phải cầu kì đắt tiền, theo phương châm “ hễ có là đủ, hễ biết là vui”.Bình & chén để uống trà cũng là đồ gốm xuất xứ từ Nhật Bản, nghĩa là làm bằng đất nung, thường là có vẻ thô vụn, chứ không phải làm bằng các loại sứ tráng mỏng của Trung Hoa.Tuy nhiên cái đẹp & cao quý lại xuất hiện chính từ đây.Đồ gốm Nhật Bản với màu men tự nhiên & hình thù kì lạ ngẫu nhiên được tạo ra từ việc nung chảy men gốm lại là những tác phẩm nghệ thuật cao cấp bởi tính chất “dộc bản” của nó.Trà thất là một túp lều tranh tối & thấp nằm ở cuối con đường đá ngoằn ngoèo dưới rừng tre hoặc thông um tùm. Muốn vào trà thất người ta phải cúi mình chui vào cửa, và bỏ hết các vật trang sức cũng như vũ khí ở bên ngoài, danh vọng & niềm kiêu hãnh trần tục lại ngoài cửa.Trong trà thất chỉ có một vật trang trí duy nhất nằm trong một hốc tường mờ tối, đó là một bức tranh, một bình gốm cổ chẳng hạn.Trong khi uống trà người ta chỉ được nói về cái đẹp nghệ thuật.Trà đạo tưởng là đơn giản nhưng thực chất lại thể hiện một sự tinh tế & trình độ thưởng thức nghệ thuật cao
  • Kiếm đạo : Tôn giáo & chiến tranh là hai mặt đối lập, nhưng lại thống nhất với nhau một cách kì lạ trong nghệ thuật đấu kiếm.Trong kiếm đạo người ta luyện tập khôn g phải là nghệ thuật đánh kiếm mà chính là luyện tâm.Điều hệ trọng nhất của người kiếm sĩ là “trí bất động” & “vô tạp niệm”.Bất động không phải là cứng đơ vô hồn như gỗ đá mà là trỉnh độ cao nhất của động.Tâm không được dao động mà chỉ chú tâm vào một điểm duy nhất, đó là ngọn kiếm để tấn công kẻ thù.
  • Hoa đạo (Kađô – Ikebana) & nghệ thuật vườn cảnh (Teien), cây cảnh (Bonsai) cũng là một loại hình đặc sắc của Nhật Bản gắn liền với triết lý Thiền Tông.Loại hoa được dùng không phải là loại đắt tiền, và càng không phải tượng trưng cho giàu sang phú quý, mà chủ yếu là hoa cỏ đồng nội.Hoa không phải được cắm một cách tự nhiên mà phải cắm thế nào để bình hoa thể hiện được cả thế giới & triết lý trong đó.Những vườn cảnh nổi tiếng thể hiện nước mà không cần đến nước, người ta có thể dùng cát trắng để thể hiện biển cả, có cả sóng vỗ lăn tăn.Nguyên tắc của hoa đạo & nghệ thuật vườn cảnh là những nguyên tắc mĩ học Thiền tông : U huyền, nhàn tịch (nhàn nhã & vắng lặng),Giản tố (đơn giản chất phác), khô đạm (khô cằn đạm bạc).

4.2 MINIMALISM TRONG NỘI THẤT NHẬT BẢN

Đặc trưng của phong cách tối thiểu phương Đông :
Ba yêu cầu chính trong phong cách tối thiểu là : tĩnh lặng, yên bình (serenity),đơn giản (simplicity), cân bằng (balance).Theo quan niệm của người Á Đông, ngũ hành gồm kim, mộc, thuỷ , hoả, thổ, nếu được xếp đặt hài hoà sẽ mang lại sự cân bằng trong cuộc sống.Năm yếu tố này được cân nhắc đưa vào thiết kế, diễn đạt qua màu sắc & hình thể.

  • Kim : kim loại như vàng, bạc, đồng, inox…Màu sắc tượng trưng : màu bạc, vàng.Hình dáng : tròn, vòm ,hình cầu
  • Mộc : Vật liệu thiên nhiên bao gồm mây, tre, gỗ, cây cảnh trong nhà, hoa.Màu xanh lá.Hình chữ nhật, cao (vertical)
  • Thuỷ : nước, hồ cá, thác nước…Màu đen, xanh biển.Hình dáng có đường nét cong, mềm mại
  • Hoả : lửa, nến, đèn dầu, nhang, lò sưởi…Màu đỏ.Hình dáng : nhọn, tam giác, ziczac
  • Thổ : đất, sỏi, đá, gạch gốm …Các gam màu vàng.HÌnh dáng thấp,rộng, trải dài theo chiều ngang (horizontal)
  • Ngoài ra còn phải kể đến 3 gam màu trắng
    Trắng trung tính : màu nghiêng về trắng kem, trắng ngà, trắng hồng
    Trắng thiên nhiên : trắng cổ, trắng xương, trắn g ngà voi, trắng vani, trắng gốm
    Trắng đối nghịch : tạo sự tương phản mạnh khi phối cùng các tông màu mạnh như đỏ, đen…

Nét đặc thù trong nội thất Nhật Bản:

  • Sử dụng cửa kính lùa & tường kính trong như một ranh giới mỏng manh giữa không gian nội thất & ngoại thất
  • Đem thiên nhiên vào nhà bằng cách phối hợp các vật liệu thiên nhiên, ánh sáng & cây cảnh.
  • Không gian thoáng mở, vật dụng nội thất được chọn lọc theo đúng nhu cầu sử dụng “Less is more” – ít hơn là nhiều hơn – là khái niệm cho cách xếp đặt vật dụng nội thất
  • Các vật dụng nội thất trong phòng khách & phòng sinh hoạt gia đình, phòng ngủ được thiết kế rộng hơn & thấp hơn, tạo sự dễ chịu, thoải mái
  • Phòng tắm thoáng rộng
  • Giác quan – nghe (từ tiếng nước chảy róc rách, tiếng chuông gió…), sờ (đa dạng trong cách sử dụng chất liệu) & thấy (màu sắc) được chú trọng nhiều hơn.
  • Tạo hình & xử lý vật liệu dưới những hình thức tinh tế là những nguyên tắc khá nổi bật trong các đặc tính của kiến trúc Nhật Bản đương đại.Ẩn chứa bên dưới nguyên tắc này là hàng loạt các nguyên tắc thẩm mĩ truyền thống của dân tộc Nhật Bản biểu hiện qua những giá trị văn hoá phi vật thể như : Sự ưa thích tính trống trải,tính ẩn lánh, tinh thần kiện ước, tính không bền, sự phù du, trôi dạt, tính sẵn sàng chấp nhận các điều kiện của xã hội hiện đại…
  • Tính trừu tượng,biểu tượng, ẩn dụ & biểu hiện chủ nghĩa ngày càng trở nên quan trọng trong nội thất Nhật Bản

4.3 NHỮNG CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU :
1. TOFU HOUSE (Kyoto) – KTS Jun Tamaki

Nằm trong một khu vực yên tĩnh của Kyoto (Nhật Bản), đối diện với một công viên,ngôi nhà một trệt có hình lập phương này đã có được cái tên đúng nghĩa của mình – ngôi nhà Tofu, chính là vì dáng vẻ cực thiểu bên ngoài của nó.Nội thất bên trong cực kì đơn giản,đồ vật được giản lược tới mức tối đa, đây là ngôi nhà do kiến trúc sư Jun Tamaki thiết kế dành cho một cặp vợ chồng đứng tuổi.

  • Mặc dù diện tích của căn nhà rất khiêm tốn 8x14x3 mét – Tamaki đã cân nhắc thật kĩ & mang đến cho nó một phong cách ấn tượng, với những mảng tường dày sơn trắng.Căn nhà càng gây ấn tượng hơn với những cửa sổ hình thành từ những bức tường được khoét sâu ,hoàn toàn không có khung cửa.Mặc dù những bức tường rất dày, chiếm khá nhiều diện tích, căn nhà vẫn có đầy đủ những phòng sinh hoạt tối thiểu & các kho chứa vật dụng.Trần nhà cao 3,6 mét càng làm tăng thêm cảm giác thông thoáng cho ngôi nhà.Phần lõi của căn nhà là một không gian cơ bản rộng lớn có thể chia làm 3 phần theo ý thích của chủ nhân.Cửa trượt, được làm theo truyền thống fusuma, được sử dụng ở mọi nơi,trượt êm ái trên những đường ray có độ chính xác cao.

  • Ba ô cửa trượt vừa làm nhiệm vụ nối kết giữa hai không gian, khi đóng lai, nó vừa trở thành một bức tranh tranh trang trí hiện đại. Tường được dán giấy để che đi ô cửa sổ trên vách phòng tắm

  • Góc nhìn từ cửa chính dọc suốt chiều dài căn nhà. Đà ngang bằng gỗ nhạt, phía trước và phía sau,kết hợp cùng cửa trượt kiểu fusuma truyền thống, đã ngăn không gian thành 3 khu vực riêng biệt.

  • Đây là khu vực nghỉ ngơi, uống trà & thư giãn đầu óc.Khu vực này hướng ra một khu vườn nhỏ.Xa xa, bộ bàn ghế mang đầy cá tính cực thiểu với hai hình tròn bằng gỗ có thể tách rới thành hai modun bàn riêng lẻ hoặc ghép lại để trở thành một cái bàn lớn.

  • · Kiến trúc sư còn thiết kế riêng cho chủ nhà một ngăn chứa sách khá đặt biệt.Chỉ để được một cuốn sách được ưa thích nhất của hai vợ chồng.Kệ sách này mang vẻ độc đáo riêng biệt vì ngoài chức năng chứa sách, nó còn là một vật trang trí trên tường theo phong cách của hoạ sĩ Matisse.

Japan Modern (New Idea for Contemporary Living)

1. FUKUOAKA APARTMENT(Fukuoaka)–Hiroyuki Arima s Project

  • Đây là công trình cải tạo lại chung cư được xây dựng tại Fukuoaka-cách đây 20 năm.Kiến trúc sư đã quyết định giữ nguyên nội thất bên ngoài & cải tạo lại không gian bên trong.Những bức tường được dỡ bỏ,căn nhà như rộng hơn với những không gian trống & những chi tiết hình học của không gian nội thất.Màu trắng là màu sơn chủ đạo cho toàn căn nhà để tạo nên độ sáng cần thiết cho không gian bên trong, vì căn nhà nằm ở hướng Bắc-rất ít ánh sáng tự nhiên chiếu vào.
    Tại tầng trệt-không gian chính của căn hộ, có những vách ngăn làm bằng chất liệu nhựa trong suốt kết hợp với độ tương phản ánh sáng tạo cho căn hộ một không khí độc đáo riêng biệt.Một cầu thang không có tay vịn,trông như đang nổi lơ lửng giữa nhà,nối kết sàn nhà với tầng trên-phòng ngủ của các thành viên trong gia đình.Ánh sáng trong căn hộ như đang được “lọc” bằng những vách ngăn trong suốt,mang đến vẻ huyền bí,tĩnh lặng.

  • Cầu thang không có đới bậc và sự thiếu vắng cố tình của tay vịn tạo cho cầu thang cảm giác thẳng đứng và nhẹ nhàng.

  • Trong phòng ngủ, chỉ có duy nhất một chiếc giường gỗ nổi bật trong không gian trống, xung quanh là những vách ngăn trong suốt.Căn nhà là một ví dụ tiêu biểu nhất về quan niệm “less is more”(ít hơn tức là nhiều hơn), mang đầy tính “thiền” & toàn bộ không gian nội thất được ví như “một trò chơi ánh sáng giữa những khối hình học”

Minimalist Rooms (Laura O Bryan)-2004

1. KOSHINO HOUSE: (OSAKA-KTS TADAO ANDO)

  • Các phòng đều có kích thước được lấy theo bội số của tấm chiếu “tatami” của ngôi nhà truyền thống & được sắp xếp thành một chuỗi không gian có tỉ lệ khác nhau.Kiểu bố cục này dựa trên nguyên lý bố cục vườn Nhật Bản để tạo nên sự liên tục, nhịp nhàng & sự ngắt quãng cần thiết.
  • Sự nhập nhằng giữa bên trong & bên ngoài của không gian nhà ở truyền thống cũng rất được Ando yêu thích.Khoảng sân có bậc giữa hai khối nhà được Ando coi là “phòng” sinh hoạt chung,thực chất là không gian ngoại thất được tạo nên một cách nhân tạo bởi sự ngăn cách một phần với thiên nhiên.
  • Trang trí bên trong ngôi nhà hết sức giản dị & thuần khiết, với dụng ý tìm cái đẹp trong sự hoà điệu của chất liệu với ánh sáng.Ánh sáng bên trong ngôi nhà được cố ý tạo thành một thứ ánh sáng mờ đục,dịu dàng, giống như chúng từng được lọc qua vách giấy trong những ngôi nhà truyền thống.Qua đó, người ta có thể cảm nhận được sự thay đổi của không gian theo thời gian, điều này đặc biệt phù hợp với đặc tính ưa thích sự ẩn lánh của người Nhật Bản.Một nửa bị che khuất bên sườn cỏ dốc xanh thẫm, ánh sáng được tiếp nhận qua sự phản chiếu của cảnh vật xung quanh.Một hành lang dài hẹp giữa hai bức tường bê tông, ánh sáng lọt vào từ những khe hở bên tường,nơi đây, theo tác giả sẽ “phát sinh những cuộc chạm trán giữa ánh sáng & bóng râm ở nơi tối lờ mờ”.Theo cách này ánh sáng cũng được lấy vào bên trong các phòng khác qua “những khe hở luôn luôn là biện pháp duy nhất để lấy ánh sáng vào”

(Một số xu hướng kiến trúc đương đại nước ngoài – Lê Thanh Sơn)

Nguyễn Thùy Dương - M2000
Hết Phần III.