Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Chủ nghĩa tối giản trong nội thất Nhật Bản... (Phần II)

CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN (MINIMALISM) TRONG NỘI THẤT NHẬT BẢN & NHỮNG ỨNG DỤNG THỰC TẾ TẠI VIỆT NAM

III. MINIMASLIM - CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN VÀ NHỮNG LĨNH VỰC ẢNH HƯỞNG
3.1 MINIMALISM LÀ GÌ?

Khuynh hướng (chủ nghĩa) tối giản (Minimalism, còn được dịch là chủ nghĩa cực hạn, chủ nghĩa thiểu tố) hoặc nghệ thuật tối giản (Minimal Art) bắt đầu xuất hiện như một phong trào vào thập niên 1960 trong các lĩnh vực hội họa, điêu khắc,âm nhạc & văn học. Đây là trào lưu nghệ thuật chống lại sự thái qúa của chủ nghĩa ấn tượng trừu tượng của nghệ thuật hiện đại.Các nhà tối giản (minimalist) chủ trương đơn giản hóa nghệ thuật đến mức tối đa,bình dị trong cả nội dung lẫn mẫu mã, rất khiêm tốn trong trần thuật; trong khi phần lớn các nhà hiện đại vẫn thiên về khẳng định dấu ấn chủ quan của mình.
Vì đặc điểm này mà chủ nghĩa tối giản còn được gọi là chủ nghĩa ABC. Chủ nghĩa tối giản được coi là một bước đột phá quan trọng trong mỹ thuật. Về bản chất, cách làm của các nhà tối giản là cố khám phá những thành tố gốc của một hình thức nghệ thuật nào đó. “Trong nghệ thuật thị gíac (visual art) tối giản, các thành tố điệu bộ, mang tính cá nhân đều bị chối bỏ nhằm bộc lộ sự tồn tại khách thể, những thành tố thị gíac thuần khiết của hội họa & điêu khắc.
Những ví dụ về Chủ nghĩa Tối giản có thể tìm thấy từ rất sớm, từ thế kỉ 18 khi Goethe xây dựng "Alta ò Good Fortune", đơn giản chỉ bằng một phiến đá hình cầu & một khối đá hình lập phương.Nhưng đến tận thế kỉ thứ 20, nó mới trở thành một trào lưu nghệ thuật.Từ những năm 20s, những nghệ sỹ như Malevich & Duchamp đã có những tác phẩm lấy nguồn cảm hứng từ Chủ Nghĩa Tối giản nhưng trào lưu này chỉ được biết đến chủ yếu nhờ những nghệ sỹ Mỹ như Dan Flavin, Carl Andre, Ellsworth Kelly, & Donald Judd, những người đã thể hiện sự phản ứng lại với chủ nghĩa Trừu tượng biểu hiện bằng các tác phẩm tranh, tượng & sắp đặt bình dị của mình.
Nghệ thuật tối giản có liên quan đến những phong trào khác như Concept Art-theo cách mà sự tồn tại của một tác phẩm nghệ thuật chỉ để truyền tải một thông điệp nào đó, nghệ thuật Pop Art trong tính đại chúng & nghệ thuật Land Art với những thiết kế có hình dáng đơn giản.Nghệ thuật cực tiểu đã đạt được những thành công rất lớn & có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật thế kỉ 20. Ngày nay, nghệ thuật tối giản được ứng dụng rộng rãi, không những trong các lĩnh vực tạo dáng, đồ hoạ, nhiếp ảnh, âm nhạc thiết kế kiến trúc ngoại thất mà còn áp dụng trong không gian nội thất bên trong

3.2 NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA MINIMALISM ĐỐI VỚI NHỮNG LĨNH VỰC NGHỆ THUẬT

  • Hội họa & điêu khắc :

Chủ nghĩa tối giản được biết đến đầu tiên ở lĩnh vực hội họa & điêu khắc. Các họa sĩ & nhà điêu khắc thuộc khuynh hướng này đều tập trung vào việc loại bỏ dấu ấn chủ quan (handwriting) của nghệ sĩ. Cách thức sáng tạo của họ là “thường xuyên sử dụng những chất liệu & kỹ thuật công nghiệp”. Quá trình sáng tác thường có sự “tham gia trực tiếp của các công nhân công nghiệp dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ”.

Họa sĩ đầu tiên khai sinh khuynh hướng tối giản là một họa sĩ người Nga, Kasimir Malevitch, với bức họa độc đáonăm 1913 gồm một hình vuông màu đen trên nền tròn màu trắng. Các nhà điêu khắc tối giản đầu tiên là Donald Judd, Carl Andre, Dan Flavin...

  • Nhiếp ảnh :

Hoạ sĩ Picasso, tứ quái Beatles, ngôi sao màn bạc Marylin Monroe…đều đã từng ngồi trước ống kính của nhà nhiếp ảnh Richard Avedon – một trong 20 nhà nhiếp ảnh có ảnh hưởng sâu xa nhất trong thế kỉ 20
Avedon đã phá bỏ mọi qui tắc; khơng ngần ngại làm hình ảnh biến dạng hay nhoè mờ, sử dụng những kỹ thuật chỉnh sửa phức tạp để tạo được hiệu quả như ý. Avedon đưa người mẫu ra khỏi studio để chụp ngoại cảnh, ông thay thế những kiểu tạo dáng vô hồn bằng động tác và chuyển động. Với Avedon, “mọi nghệ thuật đều liên quan đến sự kiểm soát - cuộc đọ sức giữa cái có thể & không thể kiểm soát”.
Trái ngược với những bức ảnh thời trang ngoại cảnh được dàn dựng hết sức công phu, những bức ảnh chân dung đen trắng trong studio của Avedon lại cực kỳ đơn giản. Một hậu cảnh trắng toát hoặc chỉ mang một màu xám trung tín làm nền cho mọi nhân vật. Những khuôn mặt chụp trực diện, nhìn thẳng vào ống kính, bất chấp những bố cục cụ thể, làm rõ mồn một từng khiếm khuyết trên nhân dạng & những biểu cảm căng thẳng bất chợt đã bộc lộ những cảm xúc sâu thẳm tận tâm hồn
Những bức chân dung của Avedon càng về sau càng hiếm nụ cười. Những bức ảnh tấn công người xem & định hình một phong cách Richard Avedon. Cả ảnh thời trang của Avedon sau này cũng mang hình thức cực thiểu (minimalism) ấy.

  • Kiến trúc (ngoại thất)
    NGÔI NHÀ NEUEDORF

Một nhà nghỉ mát giống như một tác phẩm nghệ thuật cho một nhà buôn nghệ thuật Đức, ngôi nhà Neuedorf là một bố cục khéo léo gồm những bức tường.Từ ngoài nhìn vào, ta không thấy mái nhà nào cả,chỉ thấy một bức tường cao bê tông tô đá rửa vòng quanh căn nhà dưới nắng cháy.Người ta đi tới căn nhà qua những cánh đồng theo một con đường đá bậc thang.Con đường đưa tới một khe hẹp cao 9 mét xuyên qua tường,mở ra một cái sân trông giống như một nhà hát đài vòng trống rỗng,trừ những chiếc ghế dài bằng đá nằm dọc hai bên.
Sân đi vào một phòng ăn đơn sơ,trung tâm của ngôi nhà.Ở nay không có gì hết trừ một cái bàn đá được thiết kế như một bộ phân của kiến trúc này và những chiếc ghế gỗ có chạm trổ của nhà chế tạo đồ gỗ Đan Mạch danh tiếng Hans Wegner.Bếp chạy dọc treo một bức tường.các phòng khách cũng đơn sơ như vậy,sử dụng những vật liệu giống nhau – sàn đá,ghế dài bằng gỗ,thùng tắm gỗ,bồn nước bằng đá,tường bê tông trắng mịn.Ánh sáng ban ngày lung linh xuyên qua phòng từ các khe nhỏ và luôn luôn hạn chế.
Cảm giác chung là cảm giác của người sống trong một tác phẩm điêu khắc hiện đại hoặc trong một tu viện cổ.Không có gì đáng ngạc nhiên hơn cả:John Pawson (sinh 1949) đã nổi danh khi thiết kế các phòng trưng bày nghệ thuật theo trường phái Tối thiểu,và Claudio Silvestrin (sinh 1954) đáng lẽ đã trở thành một giáo sĩ hoặc tu sĩ trước khi chuyển hướng qua kiến trúc.

Kiến trúc thế giới thế kỉ XX ( Johnathan Glancey-Lê Thanh Lộc biên dịch)

  • Nội thất :

Chủ nghĩa cực thiểu trong thiết kế nội thất chủ yếu dựa trên những không gian trống.Chủ nghĩa cực thiểu không chỉ là sự đơn giản, nó còn bao gồm những hiệu quả đặt biệt khác có được từ những thành tố quan trọng bao gồm cấu tạo bề mặt và những hiệu ứng màu sắc. Màu sắc có thể nhấn mạnh, trong khi không gian vẫn giữ được sự đơn giản và cực thiểu thể hiện trong design của phong trào cực thiểu

NHỮNG CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU
Một số nguyên tắc thiết kế nội thất nhà ở của Claudio Silvestrin (Nhà Đẹp-0/2001):
Claudio Silvestrin là một trong những kiến trúc sư hàng đầu trong phong cách tối thiểu (Minimalism).Các căn nhà ông thiết kế có nội thất “gầy” và lạnh nhưng luôn ẩn chứa trong đó một nội lực tinh thần to lớn.Trong cái không gian đó, người ta có thể bị bất ngờ vì các mảng tường trắng, các lối đi hẹp, các khung cửa sổ tạo ra các “view” nhìn hẹp như những lá lúa rất ngoạn mục…nhưng người ta luôn được đền bù vì cái không khí yên bình mà nó tạo ra.
Con người này sinh ở Ý,học ở Milan và London, rồi nay dạy ở London và Lausanne.Tác phẩm của ông là nhà hoặc những cửa hàng của những con người nổi tiếng sành điệu như Calvin Klein, Armani.Một nguyên tắc lớn nhất để ông nhân thiết kế cho khách hàng là “Zero compromise”(không có thoả hiệp nào cả).Ông ta vẽ, còn khách hàng dùng,miễn can thiệp vào thiết kế của ông.
Đây là 11 ý kiến riêng của ông về thiết kế một căn nhà, rất thú vị và đáng để tham khảo:

  • Khoét một chiếc cửa sổ cho căn phòng, với tôi không phải là để lấy một thứ ánh sáng chung chung, mà là tạo ra 1 “view” nhìn có chủ định đồng thời giúp tạo ra những luồng ánh sáng có định hướng góp phần tạo hình cho căn phòng.Mỗi chiếc cửa sổ là một sự thoả hiệp của nhiều thứ, nó giúp lấy ánh sáng, giúp tạo ra những tầm nhìn…nhưng đồng thời nó đặt ra vấn đề bảo vệ sự riêng tư cho căn phòng hoặc tìm cách ngăn chăn những góc nhìn xấu nếu chẳng may chiếc cửa sổ cửa bạn nhìn về phía đó.Thông thường để làm việc này người ta hay dùng màn cửa, nhưng tôi lại thích chăn những tấm sáo đứng hơn.Một đôi khi, để lấy sáng và ngăn một góc nhìn xấu tôi sẽ mở một cửa sổ lớn nhưng ngăn bằng 1 tấm kính mờ

  • Tôi thích thiết kế những cầu thang có tường che kín hơn.Có lẽ vì tôi rất ghét ngồi ở phòng khách và phải nhìn mãi chiếc cầu thang năm này qua tháng khác.Một chiếc cầu thang hở như vậy làm rối cái phòng khách.Mặt khác, trong một buồng thang kín bạn sẽ cảm nhân được rõ hơn sự chuyển động lên xuống của mình.Điều này làm cho chiếc thang trở nên thú vị hơn

  • Nếu bạn thích phong cách tối thiểu (minimalism) thì xin nhớ rằng, bạn phải bắt đầu từ những suy nghĩ tinh khôi, trong suốt và hồn nhiên nhất. Tôi hay nói với với khách hàng của mình: những ngôi nhà tôi thiết kế sẽ làm cho họ trẻ lại mười tuổi khi sống trong đó miễn là họ phải chuẩn bị đủ để bắt đầu một điều mới mẻ. Chúng ta phải học cách không bị vướng bận với những điều cũ,những cái đã thành nếp trong đầu về một ngôi nhà. Chúng ta sẽ không giữ lại những cái nếp ấy trừ khi chúng thực sự cần thiết!

  • Tôi đặc biệt bị hấp dẫn bởi ánh sáng và một không gian khoáng đạt, thoáng đãng, để đạt được cả hai điều tôi thường dùng màu trắng, sáng cho cả tường lẫn trần. Ai cũng biết những bề mặt được sơn trắng không chỉ phản chiếu tốt ánh sáng làm tăng độ sáng mà còn tạo ra cảm giác rộng hơn của không gian. Khi được sơn trắng căn nhà của bạn trông rộng hơn gấp rưỡi. Nhưng, hãy nhớ một điều: đừng làm hỏng cái hiệu quả của một căn phòng trắng bằng việo kê quá nhiều đồ trong phòng. Các đồ đạc này sẽ làm suy yếu sự khoáng đạt mà chúng ta cố công tìm kiếm.

  • Tôi luôn tìm kiếm một sự liên tục của những bề mặt (tường sàn, trần...) giữa những khu vực phụ (nhà bếp, phòng tắm) với khu vực chính trong căn nhà (phòng khách, phòng ngủ...). Cần phải làm sao để khi bước từ phòng ngủ sang phòng tắm mà không tạo ra cái cảm giác như bạn đang bước vào một nơi chốn khác. Đây không phải là chuyện của cái "gu" của ai đó mà là một vấn đề có tính nguyên tắc. Một sàn nhà đồng nhất, xuyên suốt giúp tạo ra một không gian sống liền lạc, bền vững. Tôi cũng thường chọn đá hay gỗ cho các phần sàn liền lạc này vì đây là các vật liệu tự nhiên và khi bước đi trên đó, tôi luôn có cảm gíac như đang đi trên trái đất yêu quý của chúng ta

  • Hãy cố gắng đạt được sự cân bằng giữa đồ vật trong nhà và các khoảng trống ( bởi khoảng trống chính là không gian sinh tồn của bạn).Thay vì treo cả lô tranh hay tượng thì chỉ nên chọn một.Thay vì đặt nhiều ghế salon nhỏ thì hãy chọn một ghế canapé thật lớn. Tôi cũng có một thói quen là không dùng các nẹp gỗ viền chân tường, đặc biệt là ở các vách ngăn bằng vật liệu nhẹ như gỗ chẳng hạn.Các nẹp gỗ này thường làm rối mắt.Thay vào đó, tôi cố tình để một khoảng hở tự nhiên giữa tường và sàn, cái bóng đen nhẹ của khoảng hở là nét nhấn đẹp cho một bức tường trắng, ngoài ra nó còn có 1 ưu điểm là làm cho bức tường trông nhẹ nhõm hơn.

  • Có phải ý định của bạn là làm cho ngôi nhà trở thành một nơi chốn an tịnh không.Nếu đúng vậy và bạn chọn trường phái tối thiểu để làm việc này thì xin bạn nhớ hai việc : không nên làm bất cứ việc gì tạo ra sự rối mắt và bạn phải làm mọi việc minh bạch tới mức không cần giấu đi điều gì cả.Bạn phải có một chọn lựa dứt khoát và phải biết đưa cuộc đời mình bước vào một giai đoạn mới : Hết sức tiết chế các đồ vật,các sản phẩm vật chất.

  • Tôi thường yêu thích những bồn tắm tròn bởi một trong những yếu tố thị giác cao nhất của nước là sự chuyển động.Một đường cong hay tròn luôn cho thấy đặc tính của chất lỏng chuyển động trong nước.Việc này cũng giống như việc bạn phải thiết kế một cái ly uống rượu vang sao cho hình dáng của nó phải hết sức mời gọi để bạn cảm thấy như làn rượu đỏ trong ly đang tuôn trào. Ngoài ra, phòng tắm phải thể hiện cho được tính cao quý của sự thanh sạch, không có những hoạ tiết trang trí rườm rà. Hãy để việc tắm rửa là điều quan trọng nhất trong căn phòng này.

  • Nếu nhà bạn có cháu nhỏ, theo như tôi việc để cho các cháu sống trong một căn nhà thanh bạch và giản dị như phong cách tối thiểu là rất tốt.Hãy cho chúng căn phòng riêng của chúng, ở đó chúng có thể vất đồ chơi vương vãi một chút cũng được nhưng trong cái không gian tối thiểu và đơn giản, chúng sẽ học và nếm trải không khí của sự tĩnh lặng và yên bình.
  • Đối với căn bếp ; tôi thường thiết kế chúng là một phần nối dài của không gian tổng thể của ngôi nhà. Nó cũng có những đường nét & vật liệu mà cả ngôi nhà đang có. Đây là một phong cách sống đồng thời cũng là một vấn đề thẩm mĩ nói chung : Việc nấu nướng không nên có cảm giác như bị cắt rời khỏi những phần khác của toà nhà.
  • Sau cùng, xin quay lại một chút nữa về nhà bếp & nơi kế cận của nó là phòng ăn. Theo tôi các nơi này nên rất giản lược, tại sao lại phải cần đến tám chiếc ghế cho bộ bàn ăn trong khi bạn chỉ thật cần chỉ có hai?

  • Hãy tự nghĩ lại về các đồ dùng của mình.Nhiều khi bạn chẳng cần những thứ mà bạn cứ tưởng là mình cần.Còn trong nhà bếp cũng thế, cũng phải giản lược.Dĩ nhiên, bếp là nơi chứa đồ nên rất cần các ngăn tủ, nhưng tôi lại rất thích làm cho các tủ đồ ấy biến mất vào trong tường.Tôi giấu chúng vào trong các tủ âm tường.Rồi bên ngoài làm các cửa tủ cao từ sàn tới trần để giả làm như một bức tường.Tôi cũng không gắn các tay nắm mà dùng loại chốt ấn, khi nay cửa vào thì nó mở ra.Mọi thứ càng kín đáo càng tốt.

PHÒNG HỌP : (CLAUDIO SILVESTRIN ,1997)
Tổ chức nghệ thuật Hombrich,Frankfurt,Đức

Được xây dựng trên địa điểm của một căn cứ tên lửa cũ của Nato,tổ chức nghệ thuật Hombrich là đức con tinh thần của nhà kinh doanh bất động sản,đồng thời là nhà bảo trợ và sưu tầm nghệ thuật đương đại sắc sảo,như những nhà kinh doanh bất động sản thường như vật trong những năm 1980 & 1990.Tuy nhiên , tổ chức Hombrich hơi đặc biệt.nó không chỉ gồm những phòng trưng bày dành cho tác phẩm của các nghệ sĩ hiện đại ,mà còn có những phòng làm việc và xưởng,một tu viện và những phòng riêng để ở, một xưởng làm bánh mì, một xưởng làm bia và một nông trại “hữu cơ”.Nó hàm ý một cách thức phục hồi thế giới bị chiến tranh tàn phá, cải tạo thành phố đầy thứ kiến trúc “hái ra tiền”& đất nông nghiệp sử dụng nhiều hoá chất
Ở trung tâm tổ chức là phòng họp mặt hay chỗ trầm ngâm, suy nghĩ,do Silvestrin thiết kế .Đó là một không gian đơn sơ, chỉ gồm có ánh sáng chiếu lên tường ấm áp trông đẹp mắt,một mặt sàn và dải băng dài bằng đá .Nó hoàn toàn trái ngược với thứ kiến trúc theo kiểu “Frankfurt” khi Frankfurt trở nên nổi tiếng trong những năm thịnh vượng 1980.Và nó có hiệu lực trong tay của Silvestrin : Đây là một trong những chỗ làm người ta ngừng líu lo nhăng nhít và làm tinh thần lắng dịu.

Kiến trúc thế giới thế kỉ XX (Lê Văn Lộc biên dịch)

  • Âm nhạc:

Trong lĩnh vực âm nhạc, Erik Satie, La Monte Young…là những nghệ sĩ tiêu biểu. Họ chống lại sự phức tạp & qúa trí tuệ của âm nhạc hiện đại. Nhạc phẩm của họ dung dị, lặp đi lặp lại một số nốt hoặc âm vực nào đó. Trong âm nhạc tối giản, cách xử lí truyền thống về dạng thức & phát triển chủ đề, bằng cách ủng hộ những khám phá về âm sắc & nhịp điệu,những thành tố âm nhạc rất xa lạ với người thưởng thức phương Tây”


Nguyễn Thùy Dương - M2000
Hết Phần II.